SV LÀNG SƯ - SVCG HÀ THÀNH
Xin mời bạn cùng đăng nhập để có thể cùng chia sẻ với chúng tôi mọi điều về Đức Tin cũng như đời sống của bạn.!!!

Join the forum, it's quick and easy

SV LÀNG SƯ - SVCG HÀ THÀNH
Xin mời bạn cùng đăng nhập để có thể cùng chia sẻ với chúng tôi mọi điều về Đức Tin cũng như đời sống của bạn.!!!
SV LÀNG SƯ - SVCG HÀ THÀNH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tìm hiểu Tam Nhật Thánh

Go down

Tìm hiểu Tam Nhật Thánh Empty Tìm hiểu Tam Nhật Thánh

Bài gửi by Conchienlacdan Wed Apr 20, 2011 5:28 pm

Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ Vượt Qua hàng năm, những gì xảy ra trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi đi chịu chết, cho đến lần Người hiện ra với cũng các môn đệ đó ngày Chúa Nhật kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm, nhất là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ.


Giáo Hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “ trong đó Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh ” (thánh Amrôxiô). Tam nhật Vượt Qua bắt đầu bằng thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh và kết thúc chiều ngày Phục Sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức Đêm Thánh, gồm tóm lại tất cả việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.

Tam nhật Vượt Qua liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Kitô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc “ Vượt Qua ” đi về với Chúa Cha. Đêm Vượt Qua là đêm Thanh Tẩy long trọng nhất trong năm, và các Tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai ngày mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Kitô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị bằng hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ sáu, và nếu được, cả ngày thứ bảy nữa, để được làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh Bí tích Hòa Giải trong những ngày cuối mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên với các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Kitô hữu cũng mừng lễ Phục Sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu phép Rửa, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả tam nhật chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất về phụng vụ đã ra về Đêm Thánh: “ Toàn dân phải ở trong ánh sáng ” .


THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh Lễ Tiệc Ly
Mỗi năm, dân Do thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu cuộc Thương Khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa tiệc Vượt Qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.

Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ thứ năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, với đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với hết các Linh mục trong họ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một. Sau bài diễn giảng, vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu là rửa chân cho mười hai đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặt biệt của buổi lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức Linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước mặt người anh em như thế.
Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể để suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi vào vườn Giêsêmani, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất: “ Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em ” .



CHÚA RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ VÀ
LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Ga 13, 1-15

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR
Chiều hôm nay chúng ta sống lại biến cố Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ và cho cả nhân trần cách đây hơn hai nghìn năm. Chúa rửa chân cho các môn đệ và ban thịt máu mình cho nhân loại. Trong bữa ăn vượt qua chiều hôm nay, Tin Mừng nhất lãm không đề cập gì tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nhưng thánh Gioan thì tường thuật lại việc này một cách rất tỉ mỉ, chi tiết. Thánh Gioan đã đưa nhân loại vào khung cảnh, vào câu chuyện:” Trước lễ vượt qua, Chúa Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài ra khỏi thế gian này…Ngài đã yêu mến họ đến cùng. Giờ ở đây có nghĩa là giờ chết, giờ định mệnh của đời Ngài nhưng Ngài đã can đảm đi vào giờ ấy với tất cả lòng quả cảm của mình vì Ngài biết đây là giờ cứu độ. Cái chết của Chúa Giêsu sẽ là sự hoàn thành những lời hứa cho cha ông và đặc biệt là tình yêu đối với các môn đệ. Để diễn tả tình yêu của Ngài, Đức Giêsu đã chỗi dậy, bỏ áo xuống và lấy khăn thắt lưng mình…rửa chân cho các môn đệ, rồi lấy khăn thắt lưng mà lau.Chúa Giêsu cho thấy cái tương phản giữa sự cao cả của Ngài và sự yếu hèn tầm thường của các môn đệ. Và việc rửa chân đã xẩy ra giữa bữa ăn chứ không phải ngay từ đầu bữa ăn. Do đó, nó cho thấy tính cách ngôn sứ của Ngài. Đức Giêsu đã chỗi dậy ra khỏi bàn ăn. Ở đây nói lên sự vượt qua của Ngài khác nào dân Do Thái khi xưa đi qua biển đỏ. Vượt qua đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là trở về cùng Chúa cha nhưng còn có nghĩa trao ban thịt máu, là thí mạng vì đoàn chiên. Chính vì thế, Gioan đã tả lại hành vi của Đức Giêsu: Chúa Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra. Đây là hành vi lột bỏ tất cả, trở thành nô lệ để phục vụ như người nô lệ. Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh Ngài sẽ hư vô hóa đời Ngài trên thập giá. Việc Ngài cầm chậu quỳ gối rửa chân cho các môn đệ cho thấy sự tự hủy của Ngài như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Philip:”…Người đã lĩnh lấy thân phận tôi đòi”…Chúa Giêsu cũng trở nên nghèo khó để làm cho người khác nên giầu có. Việc rửa chân của Chúa Giêsu còn diễn tả”tình yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu”. Chúa là Thầy và là Chúa mà đã nêu gương và dậy các môn đệ và chúng ta cũng làm như vậy. Điều đáng lưu ý trong việc rửa chân cho các môn đệ là thái độ của Chúa Giêsu trước Giuđa Iscariốt kẻ phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ ra nhân đạo và tự chủ hết mình trước kẻ phản bội. Ở đây chúng ta nhận ra một điểm sâu xa khác là Ngài hạ mình ngay cả trước kẻ sẽ phản bội Ngài. Cử chỉ này của Đức Giêsu đã tỏ rõ nét Chúa yêu thương môn đệ cho đến cùng.

Hiểu được việc rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ chiều nay, chúng ta mới hiểu rõ hơn việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong khung cảnh Ngài tự hủy mình.Chúa Giêsu đã chọn khung cảnh lễ vượt qua của người Do Thái để thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu. Trong lễ vượt qua của người Do Thái, người ta ăn bánh không men,rau diếp đắng, nhưng còn sát tế chiên con, lấy máu bôi trên cửa để Chúa không giết các con đầu lòng của người Do Thái, con chiên được người ta nướng mà ăn. Con chiên người Do Thái ăn lễ vượt qua chính là hình bóng của Đức Giêsu chiên vượt qua của chúng ta. Là chiên vượt qua Chúa Giêsu đã trở nên của ăn của uống cho ta và gánh tội cho ta. Ngài đã thực hiện điều đó trong đêm Ngài bị nộp.

Chúa Giêsu là bánh khi Ngài trở nên nghiền nát, chịu treo trên thập giá để gánh tội cho con người. Chúa Giêsu là rượu là máu giao ước. Rượu là chính máu Người đổ ra để tẩy xóa nhân loại và để cho nhân loại được sống trong giao ước vĩnh viễn.

Chiều nay khi nghe đọc các bài sách thánh tự nhiên chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thật sâu xa của Chúa Giêsu. Đức Giêsu đã sống tự hạ để nêu gương khiêm nhu và mời gọi chúng ta sống khiêm tốn, phục vụ mọi người. Chúa là Thầy và là Chúa mà đã trở nên tôi tớ để nêu gương phục vụ tối cao cho mọi người. Khi lập Bí Tích Thánh Thể Chúa đã chết đi để cho con người được sống và sống dồi dào.

Vâng đã hơn hai nghìn năm, Chúa Giêsu đã không để lại cho nhân loại kho tàng châu báu ngọc ngà, nhưng Ngài đã để lại cho nhân loại, cho con người những điều thật quí báu, thật giá trị: Bí Tích Thánh Thể, Chức linh mục thừa tác và tình huynh đệ anh em.

Xin cho mỗi người chúng ta hiểu rõ những hành vi, cử chỉ của Chúa vì Chúa đang thực hiện nơi ta những điều thật kỳ diệu. Mẹ Têrêsa Calcutta nói:” Đừng thỏa mãn với việc cho đi tiền bạc. Tiền bạc mà thôi chưa đủ, còn cần tấm lòng yêu thương nữa”.


Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

[Nhấn vào hình sẽ mở trang mới xem hình gốc...]
........
Xem thêm hình thứ 5 Tuần Thánh - PS

TẤM BÁNH BẺ RA
Thiên An

"Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em. Là: Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy Bánh, và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén này là Giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến ta. Vì mỗi lần anh em ăn Bánh ấy và uống Chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa".

Trong bữa ăn tối trước ngày từ giã cõi trần để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể (Cf. 1Cr 11,23b-25a) tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra để làm lương thực nuôi sống nhân trần; và thiết lập chức linh mục thừa tác (Cf. 1 Cr 11,24b.25b), để tái diễn hy tế đẫm máu trên Núi Sọ, minh chứng tình yêu vô biên của Ngài đối với loài người, vì Ngài đã yêu thương con cái mình cho đến cùng (Cf. Ga 13,1).

Tấm bánh là chính thân mình Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều giai đoạn: là hạt lúa miến tinh tuyền đã được gieo cấy trong trần gian, đã lớn lên trong ánh nắng mặt trời cũng như trong băng giá của làng Nazareth, đã vươn lên trên nhân loại tội lỗi tựa cây lúa xanh tươi vươn lên giữa đám cỏ lùng. Rồi đã bị gặt hái, bị nghiền nát, bị nướng trong lò, bị bẻ ra trong nhà Tiệc ly và trên Núi Sọ, và được trao cho mọi người.

Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu Linh mục là một cuộc hiến tế không ngừng vì vinh quang của Chúa Cha và để mang ơn cứu độ cho loài người. Hy lễ đó bắt đầu từ giây phút nhập thể, từ tiếng "xin vâng" từ Trời của Ngôi Lời: "Này con đến, để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa" (Dt 10,7), đạt cao điểm tại Bữa Tối Sau Hết và tột điểm là Núi Sọ.

Linh mục, hiện thân của Chúa Giêsu Linh mục giữa lòng đời, được mời gọi trở thành họa ảnh của Người một cách trung thực. Vì linh mục của mọi thời vẫn là và phải là linh mục sống với, sống trong và sống theo gương Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm.

Trong mỗi giây phút, linh mục là người phục vụ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc ấy phải gồm những món ăn mà Chúa Cha muốn ban tặng cho con cái Ngài, là lương thực bổ dưỡng và giúp tăng trưởng trong ân sủng, trong tình yêu, chứ không phải những gì "hợp khẩu" với linh mục.

Như Chúa Giêsu Linh mục đã nêu gương trong suốt cuộc sống thế trần, đặc biệt trong bữa tiệc ly, linh mục được mời gọi trở nên tấm bánh bẻ ra cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Tấm bánh ấy phải có chất bổ dưỡng, chất sống, kín múc từ Lời Hằng Sống, từ cuộc sống kết hiệp thâm sâu với Chúa, từ những cố gắng thánh hóa trong công tác mục vụ và trong cuộc sống đời thường. Càng dám hy sinh thời giờ, tâm trí, sức lực của mình cho nhiệm thể Chúa Kitô, tấm bánh cuộc đời linh mục càng trở nên ngon miệng và bổ dưỡng cho thực khách cũng như lữ khách trên hành trình Đức Tin. Đời linh mục là một của lễ toàn thiêu dâng lên Cha, đồng thời trao ban chính bản thân mình cho tha nhân, như Cha Thánh Maximilien Kolbe đã dám hiến dâng chính mạng sống mình để cho người anh em được sống trong trại tù Auschwitz: "Tôi là linh mục Công Giáo, không vợ không con, tôi xin chết thay cho người này", như cha Olivier đã từng cảm nghiệm: "Linh mục là một con người bị người khác ăn", như Thánh Ignatio đã ao ước "Chớ gì răng thú dữ nghiền nát tôi để trở thành tấm bánh miến tinh tuyền dâng tiến Chúa".

Để có thể "yêu thương đến cùng" và ở lại với các môn đệ cho đến tận thế, Chúa Giêsu Linh mục đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiện diện yêu thương. Linh mục cũng được mời gọi trở nên dấu chỉ của một sự hiện diện yêu thương đối với đoàn chiên của mình, nhất là đối với các con chiên lạc. Linh mục càng yêu thương một cách trong sáng và dám cho đi tất cả vì Chúa, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu càng rõ nét. Như thế, những ai tiếp xúc với linh mục càng dễ gặp gỡ Chúa Giêsu sống trong linh mục, và linh mục trở nên nhịp cầu gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, như lời tuyên thệ của người nông dân xứ Ars trong vụ án phong Thánh cho Cha Thánh Gioan Maria Vianey: "Tôi đã thấy Chúa Giêsu hiện diện trong Cha xứ của tôi"

Mọi Kitô hữu đều được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, khi sống trọn vẹn chức tư tế cộng đồng đã lãnh nhận cùng với bí tích Thánh Tẩy. Cuộc đời của người Kitô hữu cũng trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em, qua việc quan tâm chia sẻ của cải, tình yêu thương và những hoa trái thiêng liêng cho những người trong gia đình, nơi làm việc và những đối tượng phục vụ. Mỗi Kitô hữu sẽ là của lễ đẹp lòng Chúa Cha như Chúa Giêsu Linh mục, khi quảng đại hiến dâng ý riêng mình để "ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời".

Trong Năm Thánh 2000, mỗi ngày, nhất là khi cử hành Thánh lễ, các linh mục và mọi Kitô hữu được mời gọi yêu thương nhau, tha thứ cho nhau và trở thành hy lễ yêu thương, như hy lễ của Chúa Giêsu Linh mục được tái diễn hằng ngày trên bàn thờ, để cứu độ thế giới, và như hy lễ vẹn toàn của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá.

Lạy Chúa Giêsu Linh mục, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được thông phần vào chức vụ tư tế của Chúa. Xin giúp các linh mục và mỗi người trong chúng con biết noi gương Chúa, tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em chúng con được sống và sống dồi dào.

Thiên An

THÁNH THỂ LIÊN TỤC

Lm. Bart. Huỳnh San

Thánh Gioan cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Ngài vào thế gian không phải để lến án mà để cứu độ. Với tình yêu nhẫn nhục ấy. Đức Giêsu đã hứa với chúng ta ‘’ thầy sẽ ở với anh chị em cho đến tận thế’’ (Mt 28:20)

Cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu hiện diện giữa thế gian trong nhục thể bởi Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu chết sống lại và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha để cầu bàu cho chúng ta. Nhưng trong suốt hai ngàn năm, và bây giờ trong Thần Khí Ngài cũng hiện diện với chúng ta cho đến ngày Ngài lại đến trong vinh quang trong nhiều hình thức khác nhau và mỗi hình thức có những phẫm chất đặc trưng của nó. Chúa Giêsu hiện diện trong lời Chúa khi Thánh Kinh được công bố, được đọc và suy niệm. Chúa Giêsu hiện diện trong những linh hồn đang ờ trong tình trạng ơn thánh và đặc biệt trong những nguời nghèo khó, Chúa Giêsu hiện diện giữa hai ba người tụ họp lại nhân danh Chúa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta niềm vui và bình an bên trong vẫn theo ta khắp mọi nơi; nhưng Chúa Giêsu cũng hiện diện trong Thánh Thể ở một nơi nhất định, từ một sự hiện diện bất động, không theo ta, nhưng chờ đợi ta, tiếp đón ta, nâng đỡ ta và đưa ta về với công việc bận rộn hàng ngày với một tâm hồn can đảm hơn, thanh thản hơn.

Trước khi nói về sự quan trọng của sự hiện diện Thánh Thể, chúng ta cần phải nhận thức một cách rò ràng sự hiện diện Thánh Thể không thể tách rời khỏi hy tế được. Rất có thể đã xảy ra trong một số cách biểu lộ hoặc giải thích qúa đáng, đã khiến một số người có cảm tưởng việc thờ phượng sự hiện diện Thánh Thể là một việc xa lạ với việc thờ phượng trong thánh lễ, và chẳng có gì liên hệ với hy tế bàn thờ cả. và như thế, việc thờ lạy, chầu hay viếng Thánh Thể có vẻ như che lấp mất hoặc quá coi nhẹ việc dâng hiến là điều quan trọng của Thánh lễ và có vẻ như là chạy đua với việc dâng lễ và rước lễ. Chính vì lý do đó mà đã có những lời chỉ trích cũng như những thái độ dững dưng nếu không nói là bất kính trước sự hiện Thánh Thể như lâu nay nhiều người đã phạm phải.

Nhờ thừa tác vụ của linh mục, việc Chúa Giêsu hiến tế thập giá được hiện tại hóa, việc truyền phép là một việc duy nhất và không chia ra được, nó vừa hoàn tất hy tế vừa ban sự hiện diện. Sự hiện diện Thánh Thể kéo dài như là hoa quả do sự hoàn tất việc dâng lễ vật hy sinh. Sự hiện diện Thánh Thể kéo dài vô hạn ở trên trời của ĐẤng Cứu Thế, tiếp sau hy tế thập giá và làm cho hy tế ấy được hoàn thành vĩnh viễn. Trong nhà Tạm, Đức Giêsu không còn dâng hy lễ cách bí tích như Ngài đã dâng trong Thánh lễ nữa, nhưng sau hành vi dâng lễ vật, Ngài ờ lại trong trạng thái lễ vật, hiện diện như một lễ vật hy sinh để gặt hái cho loài người những ơn lành của Thiên Chúa. Như thế, sự hiện Thánh Thể trong nhà Tạm là chung cuộc của Thánh lễ, một thành quả của việc cử hành phụng vụ làm cho hiệu năng của việc cử hành ấy kéo dài mãi. Do đó, không những sự hiện diện Thánh Thể không gây trở ngại cho Thánh lễ và đứng vào thế cạnh tranh với Thánh lễ, mà giúp cho thánh lễ quang tỏa ra mọi lúc một cách liên tục. Qua Thánh lễ, chúng ta tôn vinh Chúa Cha, qua việc chầu Thánh Thể chúng ta tôn vinh Chúa Con. Tinh thần của bí tích Thánh Thể là hướng thẳng về vinh quang Chúa Cha nhờ Thánh lễ, hướng thẳng về vinh quang Chúa Con nhờ việc thờ lạy Thánh thể và hướng thẳng về vinh quang Chúa Thánh Thần qua việc sống Thánh thể là việc phân phát tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả những ai chúng ta gặp gỡ và đưa tình yêu đó hòa nhập với đời sống hằng ngày của chúng ta.

Người Kitô-hữu đích thực là người xác tín rằng hôm nay Chúa Giêsu vẫn sống vẫn hiện diện trong thánh Thể, đang ở đó và mời gọi chúng ta đến với Ngài. Đây là việc thể hiện niềm tin của chúng ta trong hành động. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài ở lại với chúng ta đêm ngày trong Bí Tích thánh Thể. Đến chầu Thánh Thể, viếng Thánh Thể, Sống với Thánh Thể là cách chúng ta đáp trả tình yêu của Ngài, là cách chúng ta tuyên xưng đức tin rằng Chúa Giêsu đang ngự nơi đây, được chúng ta nghênh đón, được yêu mến, được chúng ta thờ lạy trong mọi lúc.

Ngày thứ Sáu Tuần Thánh là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả khi thiết lập Bí Tích Thánh thể trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh. Chúa Giêsu trong Thánh Thể là Chiên Con đã bị giết, xứng đáng được chúng ta thờ lạy liên lỉ không ngừng, vì tất cả những gì Ngài đã làm để cứu độ chúng ta.
Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên bố: ‘’Chúa Giêsu được cất giữ trong nhà Tạm để làm trung gian đời sống tinh thần của cộng đoàn, của Hội Thánh toàn cầu cũng như của cả nhân loại’’. Ngài cũng bày tỏ: ‘’Bí tích Thánh Thể là trái tim sống động của mỗi nhà thờ cộng đoàn, và bổn phận rất êm ái của chúng ta là tôn vinh và thờ lạy Ngôi Lời Nhập Thễ không ai thấy được trong hình bánh mà ai cũng có thể thấy nơi Bí Tích Thánh Thể. Vì thế, chầu Thánh Thể liên tục là ý thức đặt Chúa Kitô trên hết, là tìm kiếm nước Thiên Chúa và đường Thánh Thiện của Ngài trước tiên. Không thể có sự canh tân Hội Thánh nếu không làm mới lại lòng nhiệt tình yêu mến Thánh Thể’’.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hô hào:’’...Mỗi phần tử của Giáo Hội đặc biệt các giám mục và linh mục; phải liệu sao cho Bí Tích tình yêu này trở thành trọng tâm của đời sống Dân Chúa, để qua tất cả các cử chỉ tôn sùng Bí Tích ấy, Chúa Kitô nhận được ‘’tình yêu đáp trả tình yêu’’.

Lm. Bart. Huỳnh San

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Ngày Chúa chịu Thương Khó
Ngày thứ sáu Tuần Thánh, mọi Kitô hữu trên toàn cầu đều ăn chay: đây là ngày chay Vượt Qua kỷ niệm Chúa đã chịu thương khó, và Giáo Hội khuyên chúng ta tiếp tục giữ cho tới Đêm Thánh.

Vào buổi chiều hoặc tối hôm nay, có nghi lễ về cuộc Thương Khó của Chúa. Bắt đầu là Phụng Vụ Lời Chúa, với bài Thương Khó theo thánh Gioan. Sau bài diễn giải là những lời cầu nguyện đặc biệt long trọng cho toàn thể Giáo Hội và thế giới, cho hết mọi hạng người, vì ơn cứu độ do Đấng Cứu Thế đã đổ máu ra để thực hiện, cần phải đạt tới khắp nơi trên mặt đất. Sau đó Linh mục đưa Thánh Giá ra cho cộng đoàn tôn kính, rồi mọi người thông hiệp với Mình Thánh Chúa Kitô.

Trong buổi họp mừng này, điều nổi bật hơn cả không phải là các đau khổ nhục nhằn của cuộc Thương Khó, nhưng là vinh quang của Thánh Giá, vì mỗi lần Giáo Hội tưởng niệm Chúa đã chịu chết thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã phục sinh. Vì thế, các bài ca hôm nay đầy những lời tung hô Chúa Kitô chiến thắng: “ Lạy Thiên Chúa chí thánh! Lạy Thiên Chúa oai hùng! Lạy Thiên Chúa muôn đời hằng hữu! Xin thương xót chúng con! ” (Dân Ta hỡi). “ Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính là bởi cây Thập Giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu ” (Điệp ca).


CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU
Ga 18
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

“Bấy giờ Philatô trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Chính Ngài vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái Sọ, tiếng Do Thái gọi là Golgotha, tại đó, họ đóng đinh Ngài vào thập giá”( Ga 19,16-18 ).

Đúng là mọi người đã mở cờ trong bụng vì họ đã đóng đinh được Chúa Giêsu vào thập giá. Philatô quả đã thiếu bản lãnh dù ông biết Chúa Giêsu vô tội. Ông có thể nói và phải nói Chúa vô tội nhưng vì hèn nhát, vì sợ mất ghế ngồi, ông đã ơ hờ, giả vờ rửa tay để che tội ác của mình.

Suy đi nghĩ lại, thập giá thực là sự ác độc của con người, tạo nên để đóng đinh Chúa. Nhưng nếu ngộ giả không có cây thập giá. Con người sẽ không được cứu độ. Con người chỉ có thể trả lời vắn gọn:không có thập giá, không có ơn cứu độ. Thánh Gioan trong bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã làm nổi bật chân lý, làm nổi rõ mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa. Một đàng dưới chân thập giá loài người cần được cứu chuộc, một đàng trên thập giá, Chúa Giêsu đang tuôn trào nguồn mạch tình yêu, nguồn ân sủng, ơn tha thứ và ơn cứu độ cho tất cả mọi người có lòng tin. Đọc lại cuộc xứ án Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm thấy sự vô lý và bất công của những người lên án Chúa Giêsu. Vâng, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, các thượng tế, ký lục, lính tráng và dân chúng đều là những người có tội, đều là những người lên án Chúa Giêsu một cách hết sức bất công. Tất cả đều không dám ngước mắt nhìn Chúa trên thập giá. Ngay cả Phêrô, ngay cả các môn đệ. Tất cả đều có tội và tỏ ra bất xứng với bản án của Chúa Giêsu.

Gioan thấy gì trên thánh giá ? Một Chúa Giêsu bị treo lên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Người ta đi ngang qua và không ai dám đập dập ống chân Chúa Giêsu. Nhưng chỉ có một người lính lấy đòng đâm cạnh lương long của Chúa. Điều này trở nên có giá trị vì nước và máu chảy ra làm phát sinh các bí tích của Hội Thánh. Trong đền thờ, các tư tế đang giết chiên vượt qua để chia cho dân mang về nhà ăn. Điều ấy nói lên dân Chúa được giải thoát khỏi đất Ai Cập.

Chúa Giêsu quả thực không bị đánh gẫy một cái xương nào, nhưng từ cạnh sườn của Ngài ơn cứu độ tuôn chảy. Máu nói lên lễ hy sinh đền tội. Nước diễn tả sự sống mới, sự sống do Chúa Thánh Thần làm tái sinh mọi loại. Chúa Giêsu trên thập giá là nguồn ơn cứu độ cho những kẻ tin mà Maria và Gioan là biểu tượng. Nhìn lên thập giá, chúng ta phải đấm ngực ăn năn vì ta tội lỗi, chúng ta tin tưởng thực sự thập giá là ơn giải thoát cho chúng ta. Niềm tin mà mẹ Maria bầy tỏ sẽ giúp ta yêu mến thánh giá để ơn cứu độ tràn ngập nơi ta. Ơn cứu độ chứa chan nơi Chúa. Hôn kính thánh giá để ơn cứu độ của Chúa đi vào tâm hồn chúng ta hầu chúng ta được ơn cứu thoát.

Bản án bất công mà con người kết án tử hình cho Chúa trên thập giá mãi mãi là một vấn nạn lớn cho nhiều người, nhiều thế hệ vv…

Còn đối với chúng ta, thánh giá Chúa Kitô có ý nghĩa gì đối với ta ? tại sao ?

“Tôi muốn được biết Chúa Kitô…và nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết”( PL 3, 10-11 ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR


Nicôđêmô và GiôxẾp
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Tuần Thánh là thời gian trọng nhất của năm Phụng vụ. Giáo Hội tưởng niệm những sự kiện đặc biệt của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Đọc bài Thương Khó nhiều lần, tôi dừng lại nơi cuộc táng xác Chúa và nghĩ về hai môn đệ âm thầm: Nicôđêmô và Giôxêp.

Việc táng xác Chúa đựơc cả bốn Phúc Âm tường trình; Giôxếp và Nicôđêmô an táng Chúa.(Mt 27,57-61; Ga 19,38-42; Lc 23, 50-55; Mc 15, 42-47)

Vào chiều tối ngày Thứ Sáu đau thương, Giôxếp người ở xứ Arimathê đến xin Philatô cho tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá. Sau đó ông cùng với Nicôđêmô táng xác Chúa theo tục lệ người Do Thái thời đó: tẩm liệm xác Chúa bằng thuốc thơm, quấn khăn liệm và đặt trong mộ đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. Mộ đá còn mới của ông Giôxếp và nằm trong thửa vườn của gia đình ông. Vườn nầy lại gần nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Lúc táng xác Chúa, có Bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông Giôxêt chứng kiến (Mc 15,47). Chắc là có một số người khác nữa cùng tham dự cuộc táng xác; nhất là Đức Mẹ, nhưng không thấy Phúc Âm nói đến.

Thật lạ lùng. Khi Chúa bị bắt, bị đánh đòn, bị sỉ nhục, các môn đệ trốn chạy hết (Mc 14, 50).

Dưới chân thập giá chỉ có Đức Mẹ, thánh Gioan, bà Maria vợ ông Cơlôpat và bà Maria Mađalêna (Ga 19, 25-26).


Lúc táng xác Chúa, cả bốn Phúc Âm chỉ nói tơi hai người trí thức Do Thái: Giôxếp và Nicôđêmô. Ông Giôxếp đến xin Philatô và tháo xác, còn ông Nicôđêmô đem một trăm cân mộc dược trộn trầm hương để tẩm xác Chúa. Ông Giôxếp cho Chúa ngôi mộ của chính mình. Hai ông đều là thành viên Thượng Hội Đồng Tối Cao Do thái, có chức quyền và giàu có. Họ đã ái mộ Chúa từ lâu và dấu kín trong lòng. Đến khi Chúa chết, họ công khai biểu lộ lòng tin.

Nicôđêmô.
Trong Tin Mừng Gioan, Nicôđêmô xuất hiện ba lần:
· Lần thứ nhất trong bài tường thuật (Ga 3,1-21). Ông đến với Ðức Giêsu "ban đêm" để thảo luận với Ngài về tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ. Một người trí thức có địa vị và có thiện chí. Ông lén đến gặp Chúa vào một buổi tối. Sau đó ông ra đi.
· Lần thứ hai (Ga 7,51), khi các thủ lãnh tôn giáo Do Thái muốn giết Ðức Giêsu. Là thành viên của Thượng Hội Đồng, Nicôđêmô phản đối quyết định ấy. Ông nói: "Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?".
· Lần thứ ba (Ga 19,39-40), lúc táng xác Ðức Giêsu. Nicôđêmô đến để tẩm liệm thi hài Ðức Giêsu một cách sang trọng như người ta tẩn liệm một vị vua "Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái".

Lần thứ nhất Nicôđêmô đến với Ðức Giêsu để thưa chuyện với Ngài, lần thứ hai ông lên tiếng bênh vực Ngài, và lần thứ ba ông tôn kính thi hài của Ngài. Nicôđêmô là hình ảnh minh họa cho hành trình của người tìm đến với ánh sáng: "Ai sống theo sự thật thì đến với ánh sáng".

Giôxếp thành Arimathê
Xuyên suốt Phúc âm không thấy nhắc đến tên ông. Xuyên suốt cuộc đời Chúa, không thấy bóng dáng ông. Ông chỉ xuất hiện trong nghi thức táng xác Chúa, và đựơc cả bốn Phúc âm kể lại.

Theo Matthêu: Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxêp (27,57).

Theo Marcô: Ông là người thành Arimathê, thành viên có thế giá của Hội Đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều đại của Thiên Chúa. Ông mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu ( 15,43).

Theo Luca: Khi ấy có một người tên là Giôxếp, thành viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng ( 23,50-51).

Theo Gioan: Ông Giôxếp này là một môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do thái (19,38).

Giôxếp là nhân vật khá đặc biệt. Dựa vào bốn Phúc âm vừa kể, ta thấy ông có những đặc tính:
Là người giàu có.
Là người lương thiện, công chính.
Là thành viên thế giá trong Hội đồng.
Ông mong đợi Triều Đại Thiên Chúa đến.
Ông không tán thành quyết định của Thượng Hội Đồng là giết Chúa.
Ông mạnh dạn xin Philatô cho tháo xác Chúa.
Là người liệm xác Chúa.
Là người cho Chúa mượn mô của chính mình.
Là môn đệ Chúa cách kín đáo vì sợ người Do thái.

Ông chưa bao giờ dám bày tỏ sự thiện cảm của mình khi Đức Giêsu còn sống.
(xin xem thêm: thư gửi ông Giôxêp, Lm Nguyễn Tầm Thường, trong cuốn sách mới xuất bản 2009ẻ đi tìm).

Nicôđêmô và Giôxếp là hai môn đệ đặc biệt của Chúa Giêsu. Họ là thành phần trí thức, giàu sang và có địa vị xã hội. Như thế không phải chỉ có những người nghèo, bệnh tật, tội lỗi theo Chúa mà còn có một lớp “quan lại” trí thức là thủ lãnh thế giá trong xã hội.

Cả hai ông đều theo Chúa cách kín đáo. Theo kín đáo vì sợ (Ga 19,38). Sợ mất quyền lợi. Quyền thì cao, lợi thì lớn. Tất cả đều được xây dựng và củng cố bởi cơ chế Do Thái giáo. Cơ chế ấy quá nghiệt ngã. Nó loại trừ để củng cố. Bị loại trừ thì quyền và lợi bay theo mây khói. Ôi, quyền và lợi! Đáng sợ vô cùng!

Thế nhưng, điều lạ lùng nữa là khi Chúa chết, cả hai ông không còn sợ hãi. Ông Giôxếp hạ thi hài Chúa xuống, ông Nicôđêmô mang đến một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương, các ông lãnh thi hài Chúa, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do thái (Ga 19,39). Hai ông công khai đứng về phía Chúa, chấp nhận mọi mất mát. Hai ông thấy rõ mọi âm mưu đen tối và bẩn thỉu của Thượng tế và Công nghị. Cả hai ông đều thương cảm cái chết oan khiên đau đớn tủi nhục của Chúa. Lương tâm ngay thẳng của người trí thức chân chính không cho phép họ sống hèn. Giôxêp “đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng hội đồng”. Sau cái chết của Chúa “Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu”. Ông phải đến với Chúa trong giờ phút thương đau để tạ tội vì đã hơi hèn nhát.

Nicôđêmô và Giôxếp được diễm phúc. Vinh dự như Simon người Cyrênê vác đỡ thập giá giúp Chúa trên đường thương khó. Nicôđêmô và Giôxếp là hai môn đệ âm thầm sống trong nội bộ những người chống Chúa Giêsu. Người có thiện chí, thiện tâm thì ở trong cơ chế nào, họ cũng là môn đệ của Chúa. (theo Lm Piô Phúc Hậu). Sự sợ hãi làm cho người ta trở nên hèn nhát. Ơn can đảm giúp người trí thức sống đúng lương tâm chân chính.

Giữa cuộc đời cũng như trong mọi hình thái xã hội hôm nay, những Giôxếp và Nicôđêmô hiện diện ở khắp mọi nơi. Rất lặng lẽ. Rất âm thầm. Nhưng rất tích cực che mưa che nắng để hạt giống Tin mừng nảy mầm và lớn lên.

Chúa Giêsu chết và được mai táng trong mồ. Dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ. Các phụ nữ im lặng canh thức. Các thiên thần đứng gác bên mộ. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Chúa Giêsu. Nấm mồ bằng đá nặng nề sẽ vỡ tan như vỏ trứng. Nấm mồ lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm sẽ mở tung ra. Như cánh hoa hồng, như đôi môi thắm của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an. Sự sống mới sẽ xuất hiện ngang qua cái chết.
Tuần Thánh 2009
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

BẢY DI NGÔN TRÊN THÁNH GIÁ
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Có hai sứ điệp nổi bật nhất của Chúa Cứu Thế được gởi đến cho loài người.Sứ điệp đầu tiên là Tám Mối Phúc Thật được Chúa công bố trên một sườn núi.Sứ điệp cuối cùng là Bảy Di Ngôn trên thánh giá.

Tuần Thánh, chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa, dừng lại nơi bảy Lời Di Ngôn của Đấng Cứu Thế để nhận thấy Calvê là ngọn núi đầy hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta hưởng nếm tình yêu hiến dâng phục vụ.

1. Lạy Cha xin tha thứ cho họ vì họ chẳng hiểu biết việc họ làm (Lc 23,34)
Lẽ thường, vào giờ hấp hối, tự đáy lòng con người bộc lộ những lời tha thiết với người thân yêu, người lân cận. Lời đầu tiên của Chúa là xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ bách hại, kết án, lăng nhục, đóng đinh Ngài.

Triết gia Xê-nê-ca kể lại rằng, người bị treo trên thập giá trù ẻo cha mẹ,nguyền rủa ngày sinh tháng đẻ,mắng nhiếc lý hình,thậm chí còn khạc nhổ vào bất cứ ai qua lại đứng ngồi dưới chân cây thập giá.

Nhà hùng biện Si-sê-rô còn cho biết rằng, đôi khi phải cắt lưỡi người bị đóng đinh vào thập giá, để họ thôi buông lời phạm thượng. Bởi thế, dân chúng bồn chồn. Đám lý hình,luật sĩ,biệt phái chờ đợi tiếng la thét,mắng nhiếc,nguyền rủa của người bị đóng đinh đang hấp hối. Nhưng,cũng như loại hương mộc tiết hương thơm ra cho cả chiếc rìu hạ chúng,Thánh Tâm trên cây Tình Thương tự đáy lòng đã thoát toả ra một lời nguyện thầm thỉ đầy êm ái về sự dung thứ và xá tội “Lạy Cha xin tha thứ cho họ vì họ chẳng hiểu biết việc họ làm”.

Tha thứ,vì họ không biết. Giả mà họ biết tội họ phạm kinh tởm đến đâu khi lên án chết cho Đấng ban sự sống;giả mà họ biết rằng họ đang đổ máu Đức Giêsu dùng để cứu chuộc họ,giả mà họ biết như thế thì đời nào họ lại được tha ?

Giả mà ta biết tội lỗi khủng khiếp dường nào mà cứ phạm tội;giả mà ta biết Chúa yêu ta đến nổi Nhập Thể Làm Người mà ta vẫn khước từ không chịu đón nhận và tin yêu; giả mà ta thấu hiểu tình yêu tha thứ trong Bí Tích Giải Tội thật là vô biên mà không chịu xưng tội; giả mà ta biết Bí Tích Thánh Thể hàm chứa một sức sống vô song mà cứ khước từ không chịu ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh. Giả mà ta biết rõ những điều ấy,ta sẽ bị hư mất.Ta không thấu hiểu lòng lành Thiên Chúa,đó là lý lẽ độc nhất rộng thứ cái tội chưa chịu làm thánh của ta.

Chúa không chấp nhất,nhưng lại tha thứ,thì ta cũng phải tha thứ cho nhau.( x Mt 6,12; 6,15;18,23-35).

2. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng(Lc 23,43)
Kẻ tử tội bị đóng đinh bên hữu ngoảnh đầu nhìn sang đọc được tấm bảng: Giêsu Nazareth,Vua dân Do thái.Trong tâm hồn người đạo chích này dậy lên những tâm tình nồng nàn. Một tia sáng từ Thập giá chiếu ra làm rực sáng đức tin của anh nên anh đã dâng lời khẩn cầu: Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về nơi vương quốc. Chính lúc tử thần rình rập bên cạnh,chỉ có một người nhìn biết Chúa Kitô là minh chủ một vương quốc. Chúa đã cứu chữa anh khi phán: Hôm nay, con sẽ ở trên thiên đàng cùng với Ta.
Trước đó đã chẳng có ai được hứa ban như vậy, cho dù là Môisen hay Gioan, Mađalêna hay cả Đức Maria.

Người đạo chích đã gõ cửa, đã cầu xin chỉ có một lần, anh đã dám làm tất cả nên đã được tất cả. Liệu có thể nói được rằng: Người trộm này đến chết vẫn còn hành nghề đạo chích, vì đến lúc chết, còn ăn trộm được thiên đường ?

Lòng từ ái của Chúa đối với người trộm gợi nhớ lời sấm ngôn: Tội lỗi con có thắm như hồng điều, cũng sẽ nên trắng sạch như tuyết, có thẫm như vải đỏ, cũng sẽ mịn mướt như lông chiên.

Ơn dung thứ Chúa ban cho người trộm thống hối càng làm chúng ta hiểu hơn lời Chúa phán:” Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi …không phải người mạnh khoẻ nhưng người bệnh tật mới cần đến lang y …một người tội lỗi thống hối làm cho cả thiên đường vui mừng hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải thống hối.”.

Người trộm biết sám hối ăn năn tiêu biểu cho thế giới dân ngoại tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Vua. Miễn là con người biết sám hối,Thiên Chúa luôn bao dung và từ ái.

3. Thưa Bà, đây là con Bà (Ga 19,26)
Những lời Sứ thần Gabriel nói tại Nazareth: ”Kính chào Bà đầy ân phúc” ( Lc 1,28) cũng soi sáng cho khung cảnh Calvê. Biến cố Truyền tin báo hiệu một khởi đầu,Thánh giá đánh giá một kết thúc.Trong cảnh Truyền tin, Mẹ Maria trao ban bản tính loài người cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ; dưới chân Thánh giá,nơi Thánh Gioan,Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ. Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố nhập thể, Mẹ đã trở thành mẹ của loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, con Mẹ. Dưới chân Thánh giá, Mẹ đón nhận từ Chúa Giêsu như một lời truyền tin thứ hai: “Hỡi Bà này là con Bà” ( Ga 19,26).

Lời truyền tin thứ nhất do Sứ thần đem đến, lần truyền tin thứ hai lại do chính Chúa phán ra. Lời truyền tin thứ hai long trọng, Đức Giêsu, Ngôi Lời truyền tin cho Mẹ mình, công bố vai trò vai trò Đức Maria là Mẹ Nhân Loại, Mẹ Giáo Hội.

Ở gốc cây biết lành biết dữ, Evà đã mất chức làm mẹ loài người.
Ở dưới chân Thánh giá, Đức Mẹ đón nhận chức vị làm Mẹ loài người.

Đức Maria là mẹ Thiên ân vì là mẹ của Tác giả ơn thánh.Các con hãy hoàn toàn tín nhiệm phó thác cho Mẹ ! Hãy chiếu toả rạng ngời vẻ đẹp của Chúa Kitô khi cởi mở đón nhận hơi thở của Thánh Linh.

4. Lạy Thiên Chúa! lạy Thiên Chúa của con ! sao Ngài bỏ rơi con ( Mt 27,46)
Ba Lời Di Ngôn đầu từ thánh giá phán ra được gởi đến các kẻ được Thiên Chúa yêu thương theo thứ tự: kẻ thù địch, kẻ tội lỗi, người lành thánh. Hai lời thứ tư, thứ năm biểu lộ sự đau khổ của Thiên Chúa làm người trên thánh giá. Lời thứ tư biểu lộ sự khốn khổ của con người bị Thiên Chúa phế bỏ. Lời thứ năm nói lên nổi cay cực của Thiên Chúa bị con người chối bỏ.

Ngày Thứ Sáu Chịu Nạn là ngày đen tối nhất trần gian.Bóng tối bao trùm trái đất in mờ Thập Giá Đức Kitô trên nền trời đen thẳm.Mọi sự đều tối tăm mịt mùng! Ngài từ bỏ Mẹ hiền và môn đệ yêu dấu. Thiên Chúa xem ra cũng như từ bỏ Ngài luôn. ”Eli ! Eli ! Lamma sabacthani ! Chúa ơi ! Chúa ơi ! sao Chúa bỏ con ? ! Tiếng kêu than này, trong ngôn ngữ huyền nghĩa Do thái tiết diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện: Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Chúa Con gọi Chúa Cha là Thiên Chúa.Khác hẳn lời cầu ngày nào Ngài dạy: ”Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Chúa Cha cũng có vẻ như ngoảnh mặt đi,khi Ngài hứng chịu lấy tội lỗi trần gian.Ngài cam chịu nổi đớn đau bi thống đó vì con người để chúng ta hiểu rằng: Khi con người mất Thiên Chúa thì tình trạng khủng khiếp chừng nào.

5. Ta Khát ( Ga 19,28)
Đây là lời ngắn nhất trong bảy Di Ngôn, chỉ vỏn vẹn một tiếng Ta khát.Tận đáy tâm hồn Chúa chỉ bật ra một nổi thao thức:Ta Khát.

Hiện tượng khát nước là sự kiện bình thường của một người tử tội đóng đinh thập giá, do việc người đó mất quá nhiều máu trong người. Nhưng ở đây, chắc chắn Gioan không có ý nói tới điều đó mà nói đến nghĩa thiêng liêng. Đức Giêsu khao khát thông truyền hiệu quả cuộc khổ nạn của Người là Ơn cứu độ cho tất cả mọi người và như thế thì lời Kinh thánh mới nên trọn.Ý nghĩa của lời Ta Khát gắn liền với việc “để lời kinh thánh được nên trọn”. Lời Kinh Thánh có thể hiểu là Lời các Tiên tri trong Cựu ước loan báo về sứ mạng Cứu thế của Đấng Messia; Lời Kinh Thánh còn có thể hiểu là chính công việc cứu thế của Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu biết rằng sứ mạng cứu thế của Người đã được thi hành trọn vẹn và đầy đủ; kể từ nay bắt đầu giai đoạn mới của lịch sử cứu độ, con người sẽ lãnh nhận hiệu quả do cuộc khổ nạn người đem đến thì Ngài nói: Ta Khát.

Trong Phúc âm Gioan, từ ngữ “khát” thường chỉ nguyện vọng sâu xa của con người khát mong những hồng ân của Thiên Chúa vào thời Đấng Messia “Ai uống nước Ta ban thì đời đời sẽ không còn khát nữa,nước Ta ban sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13); ” Ai đến với Ta sẽ không hề đói,và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” ( Ga 6,35); “ Ai khát hãy đến với Ta,ai tin vào ta hãy đến mà uống ! Như kinh thánh đã nói: Tự lòng Ngài sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37).

Như thế Di Ngôn “Ta Khát” chính là nguyện vọng sâu thẳm của Chúa muốn mọi người lãnh nhận ơn cứu độ mà cuộc khổ nạn Ngài đem đến cho thế gian.

6. Mọi sự đã hoàn tất ( Ga 19,30)
Mọi sự là sự gì ? thưa là Thánh ý Chúa Cha. Lật trong sách Tin mừng rất nhiều chỗ nói “để ứng nghiệm lời Thiên Chúa,để lời các Ngôn sứ được hoàn tất”.Trong cuộc đời dương thế, Đức Giêsu luôn thực thi Thánh ý. Và giờ đây trong giây phút cuối đời trên thập giá, hình như Đức Giêsu làm bảng tổng kết: mọi sự Chúa Cha đã hoạch định, Ngài đã chu toàn, mọi sự đã hoàn tất từ ngày lọt lòng mẹ tại Bêlem cho đến nghiêng đầu trước khi chết.

Công cuộc cứu độ trần gian đã được thể hiện. Đây là lời Ngài trình lại với Chúa Cha và đây cũng chính là lời loan báo sự chiến thắng của Ngài.Quyền lực bóng tối đã giết được thân xác Ngài,vị vua Messia. Nhưng qua cái chết này, ơn cứu độ được trao ban cho mọi người và giải thoát con người khỏi vòng cương toả của bóng tối, tội lỗi, satan. Đúng như Thánh Gioan đã suy niệm “Sự sáng đã rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được ánh sáng’ ( Ga 1,5).

7. Lạy Cha ! con phó thác linh hồn con trong tay Cha ( Lc 23,46)
Lời thứ sáu là lời biệt ly trần gian. Lời thứ bảy là lời khải hoàn thiên quốc.

Chúa Kitô, Đấng từ trời xuống,đã chu toàn nhiệm vụ, hoàn thành cuộc hành trình, nay lại trở về cùng Chúa Cha để tỏ niềm tôn phục Đấng đã phái Ngài đi thực thi công cuộc cứu chuộc thế gian: “Lạy Cha,Con phó thác linh hồn con trong tay Cha”

Ba mươi năm trước, Ngài từ bỏ Nhà Cha để đến một xứ xa lạ là trần gian. Ở đó, Ngài sống cuộc đời tiêu xài không kể mức độ nào cả. Quyền năng và sự khôn ngoan được Ngài phân phát vô số kể. Ân sủng và lòng ái tuất được Ngài chuẩn ban cách quãng đại. Đến giờ sau hết, Ngài còn ban luôn cả bản thể của mình cho kẻ tội lỗi. Và Ngài đã đổ đến giọt máu cuối cùng để làm giá cứu chuộc thế gian.Trên đường về Nhà Cha, từ Thập giá Ngài dâng lên Chúa Cha lời nguyện hoàn hảo nhất ”Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha”.

Sau khi đã hạ mình xuống ở giữa những con cái hư mất của nhà Ít-ra-en, Ngài đã phung phí thời giờ của Ngài với những người đau ốm tật nguyền, với những người tội lỗi. Ngay cả với những gái điếm, Ngài cũng hứa cho họ vào Nước của Cha Ngài. Sau khi đã bị đối xử như một tên tham ăn, như một bợm nhậu, như một người bạn của bọn thu thuế và tội lỗi, như một người Sa-ma-ri-a, một người bị quỷ ám, một kẻ phạm thượng; sau khi đã hiến dâng tất cả mọi sự, ngay cả thân xác và máu Ngài; và khi linh hồn Ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, hấp hối, phiền sầu; sau khi đã đi tới đáy của sự tuyệt vọng, Ngài muốn mặc lấy nơi mình sự bị bỏ rơi bởi Cha, lìa xa ngưồn Nước Hằng Sống, Ngài đã kêu lên từ Thánh Giá nơi Ngài bị đóng đinh: ”Ta khát”. Ngài đã yên nghỉ trong bụi đất và bóng đêm sự chết. Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã gánh hết những đau thương của chúng ta.

Phó thác linh hồn cho Chúa Cha, thân xác Ngài trao trong tay Đức Mẹ.Từ chén cứu chuộc những giọt máu cuối cùng nhỏ xuống nhuộm đỏ cây thập giá.

Đây cũng là giờ bi thảm nhất của Đức Mẹ.Có nổi đớn đau nào hơn của nổi đớn đau của người Mẹ ôm xác người con yêu dấu? Đức Giêsu sinh ra trong vòng tay mẹ hiền, đến chết vẫn ở trong vòng tay Mẹ từ ái.

Chúa Giêsu đã để lại sứ điệp cuối cùng: Bảy Di Ngôn trên thánh giá.Trong cao điểm mầu nhiệm cứu độ, Chúa đã mạc khải tình yêu hiến tế qua Bảy Di Ngôn do lòng yêu thương. Những lời này vang dội qua mọi thời đại, xuyên qua tâm trí nhân loại, cải hoá và dẫn đưa bao linh hồn về với Chúa.

Calvê nơi hành hình tội nhân giờ đây đã trở thành ngọn núi đầy hấp dẫn lôi cuốn thế giới đến chiêm ngắm và đón nhận tình yêu của Đấng chịu đóng đinh.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

CHẾT VÌ YÊU
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh với hy vọng được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì nịnh bợ để được thêm nhiều bỗng lộc hoặc được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng sống để bảo vệ nhà vua, sẵn sàng chết thay cho vua bất cứ lúc nào.

Nhà vua vốn là người đơn sơ tốt bụng, dễ tin vào những lời nịnh hót nên đã ban phát cho họ bỗng lộc dồi dào khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung nghĩa. Ông đã nhiều lần can gián, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y tâu trình vua là bệnh của vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!
Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều biệt tăm.
Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của công chúa, của lính hầu cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày nhộn nhịp người ra kẻ vào để cầu xin ân huệ, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Hoá ra, chính quan ngự y đã khéo dàn dựng kịch bản lấy tim làm thuốc để chứng tỏ cho vua thấy rằng chẳng có ai trên đời nầy, ngay cả những người thân yêu nhất, chịu hy sinh mạng sống vì vua!

Cuộc đời là thế! Không mấy ai trên đời có lòng yêu thương đủ lớn đến độ dám hy sinh trái tim của mình để cứu mạng người khác, cho dù người đó là cha mẹ hay ân nhân của mình.

Vậy mà có một Đấng vô cùng cao cả không chỉ cống hiến trái tim mà còn trao ban toàn bộ cuộc đời và hiến dâng cả mạng sống trên thập giá để cứu mạng cho cả những kẻ phản bội mình.

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan 3, 14-16)

Tình Chúa yêu thương loài người thật cao vời khôn ví. “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Gioan 15,13)

Tình thương đã khiến Thiên Chúa Ngôi Hai “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Philip 2,7) để chia sẻ thân phận con người, mang lấy tội lỗi của muôn người và chịu chết để đền tội thay cho họ.

“Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 21-24)
XXX
Ôi, Chúa Giê-su, tình thương của Ngài thật bao la! Chúa thương chúng con hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự nên đã trao ban tất cả vì chúng con.

Chúng con xin cúi mình thẳm sâu để cảm tạ tình thương Chúa.
Chúng con nguyện ghi sâu dấu ấn yêu thương của Chúa tận đáy lòng.
Chúng con quyết đem hết tình yêu mọn hèn của chúng con để đáp trả tình yêu cao vời của Chúa, nguyện hiến dâng cuộc đời còn lại để báo đền cuộc sống của Chúa đã trao hiến vì chúng con.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Ngày thứ bảy Tuần Thánh không có thánh lễ, cũng không có Phụng Vụ Lời Chúa, mà chỉ có các Giờ Kinh Phụng Vụ. Tuy vậy, hôm nay không phải chỉ là ngày chờ mong đại lễ. Chúng ta không họp nhau và chúng ta chỉ hồi tâm nhớ đến Chúa Kitô chôn trong mồ, nhưng chúng ta cũng đặt niềm tin vào một mầu nhiệm, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “ Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô xuống ngục tổ tông” Mầu nhiệm Chúa Kitô xuống ngục tổ tông nằm ở trung tâm mầu nhiệm Vượt Qua. Việc Chúa đi xuống tiếp nối việc Người tự hạ khi chết trên thập giá, và cho thấy rõ Người thật sự đã chết: linh hồn Người đã thật sự lìa khỏi xác và đến với linh hồn các người công chính khác. Nhưng việc Chúa xuống ngục tổ tông cũng biểu lộ tính cách lớn lao của cuộc chiến thắng của Người: Người đã từ đáy vực thẳm bước lên sự sống. Đồng thời mầu nhiệm này cũng mở đầu cho cuộc chiến thắng ấy: Chúa Kitô xuống với những kẻ đang mong đợi Người đến báo tin họ sắp được giải phóng. Việc xuống âm phủ là khởi điểm của một cuộc đi lên sẽ đưa Chúa Kitô tới vinh quang Phục Sinh và Thăng Thiên: “ Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời ” (Ep 4,10).

Trong các Giờ Kinh Phụng Vụ ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện như sau: “ Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã chịu chôn vùi trong lòng đất, nhưng đã chiến thắng tử thần và khải hoàn chỗi dậy. Vậy tất cả chúng con là những Tín hữu đã cùng được mai táng với Người khi lãnh nhận phép Rửa, xin cũng được nhờ ơn Người phục sinh mà đạt tới nguồn sống muôn đời ” .


Vọng PHỤC SINH
(Đêm thứ 7)
Canh Thức Vượt Qua.

Việc tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại đạt tới điểm cao nhất trong đêm Vượt Qua, là Đêm Thánh của người Kitô hữu. Theo như lời thánh Augustinô nói, cuộc họp mừng đêm nay là mẹ của hết mọi buổi canh thức phụng vụ. Chúa Kitô đã dạy các môn đệ phải canh thức để đợi chờ Tân Lang đến (Mt 25,13), vì thế người Kitô hữu có dành một phần ban đêm để cầu nguyện thì cũng là chuyện dĩ nhiên. Nhưng không có đêm thích hợp cho một cuộc họp mừng phụng vụ bằng đêm Vượt Qua: đây là đêm dân Israel ăn thịt chiên và được cứu thoát, là đêm họ đi bộ qua Biển Đỏ; đây là đêm Chúa Kitô đập tan xiềng xích tử thần và từ âm phủ khải hoàn đi lên; đây là đêm Giáo Hội, ngay từ buổi đầu, vẫn chờ mong Chúa trở lại.

Đêm nay, cộng đoàn Kitô hữu trước tiên nghe đọc Lời Chúa để ôn lại tất cả lịch sử cứu độ, từ buổi khai thiên lập địa và việc dân Israel ra đi khỏi đất Ai Cập, cho đến việc Chúa Giêsu sống lại và được tôn vinh trên trời. Trong khi nghe đọc Sách Thánh, cộng đoàn được Nến Phục Sinh soi sáng: Nến này tượng trưng đám mây sáng xưa đã dẫn dân Israel trên đường về đất hứa, và đặc biệt tượng trưng Chúa Kitô, là ánh sáng soi thế giới.

Tiếp đó có cử hành các Bí tích Vượt Qua: phép Rửa, nhờ đó con người cùng chết với Chúa Kitô để cùng sống sự sống mới với Người (Rm 6,Cool; phép Thêm Sức ghi ấn tích Chúa Kitô vào người Kitô hữu và ban Thánh Thần cho họ; phép Thánh Thể là Tiệc Thánh của Giao Ước mới, trong đó các môn đệ nhận ra Chúa phục sinh khi Người bẻ bánh trao cho họ (Lc 24,35).

Trong đêm Vượt Qua, người Kitô hữu được nếm trước niềm vui của thành Giêrusalem trên trời. Vì thế, đêm nay vang dội tiếng hát “ Allêluia ” .





Được sửa bởi Conchienlacdan ngày Wed Apr 20, 2011 5:33 pm; sửa lần 1.
Conchienlacdan
Conchienlacdan

Tổng số bài gửi : 14
Join date : 19/04/2011
Age : 34

Về Đầu Trang Go down

Tìm hiểu Tam Nhật Thánh Empty Re: Tìm hiểu Tam Nhật Thánh

Bài gửi by Conchienlacdan Wed Apr 20, 2011 5:31 pm

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI
Alléluia - Vui Lên
Mc 16, 1-8

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR
Đêm canh thức phục sinh (Đêm thứ 7) được sắp xếp như sau:
*Phần thứ nhất : Thắp Nến Phục Sinh
*Phần thứ hai : Phụng Vụ Lời Chúa
*Phần thứ ba: Phụng Vụ Thánh Tẩy
*Phần thứ tư: Phụng Vụ Thánh Thể

Sau những phút giây đau buồn.Sau những giờ hồi hộp,nín thinh vì biến cố Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang làm bàng hoàn biết bao nhiêu người. Sau những giờ thật thất vọng các môn đệ hầu như còn chưa ra khỏi cơn mơ và chưa hết hoàn hồn vì Thầy của họ bị giết một cách thật tất tưởi trên cây thập giá.Hội Thánh đi vào mầu nhiệm sự chết của Chúa Giêsu. Hội Thánh sau những giờ phút, sau những ngày im lặng để hiệp thông với nỗi khốn khổ của Chúa Giêsu, giờ đây, trong đêm Canh Thức Vựợt Qua, Hội Thánh tràn ngập niềm vui, đầy hân hoan, vui mừng. Chúa Giêsu bị chết trên trên thập giá, được tháo xuống khỏi cây thập giá, rồi xác Chúa được táng trong huyệt đá mới, nay đầu ngày thứ nhất trong tuần, Ngài đã sống lại thật và đã ra khỏi mồ như lời Ngài đã loan báo trước đây. Alléluia. Alléluia.Alléluia. Đây là cốt lõi của Tin Mừng phục sinh, của đêm Canh thức. Đêm hôm nay ngay từ những năm đầu tiên, Hội Thánh đã cử hành biến cố Chúa phục sinh hết sức long trọng, đầy ý nghĩa, đầy ấn tượng. Đêm nay là đêm hồng phúc. Đêm chiến thắng tử thần. Chúa Giêsu đã đánh bại thần chết. Đêm nay, thánh Augustinô đã gọi là đêm mẹ của mọi canh thức thánh. Đêm nay, được ghi dấu bằng việc rửa tội cho các tân tòng. Chính những tân tòng là những người được tái sinh trong đêm canh thức Vượt Qua này. Họ được dìm vào cái chết của Chúa Giêsu và được sống lại với Ngài. Alléluia.

Đêm nay là đêm mẹ của mọi đêm như lời thánh Agustinô nói. Màn trời đen lung linh. Bầu khí nhà thờ im lặng.Mọi ngọn đèn trong nhà thờ được tắt hết. Tất cả như chìm trong đêm tối.Cây nến phục sinh được thắp sáng từ than hồng tượng trưng cho Chúa Giêsu sống lại. Cộng đoàn dân Chúa chú ý tới cây nến phục sinh được vị chủ tế và đoàn đồng tế rước từ cuối nhà thờ tới cung thánh, đến giá đặt nến được sắp xếp hết sức trang trọng nơi cung thánh với ba lần vị chủ tế xướng to: ” Ánh sáng Chúa Kitô “, toàn thể cộng đoàn thưa: ” Tạ ơn Chúa “. Cây nến được đặt trên giá đèn. Mọi cây nến con trong nhà thờ đều được thắp sáng từ cây nến phục sinh mẹ. Vị chủ tế xông hương cây nến phục sinh và bắt đầu công bố Tin Mừng phục sinh. Cây nến phục sinh tượng trưng cho Chúa Giêsu sống lại. Đây là cây nến cứu dộ. Cây nến và ngọn nến chiếu sáng mọi người. Ngọn nến cứu độ đem lại hạnh phúc và niềm vui cho mọi người. Sau đó là những bài Sách Thánh diễn tả lại lịch sử cứu độ của Chúa và đoạn Tin Mừng Mc 16, 1-8 nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vào ngày đầu ngày thứ nhất trong tuần. Chúa Giêsu đã toàn thắng sự chết, bước ra khỏi mồ trong vinh quang của Thiên Chúa Cha và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Chúa đã sống lại và đang sống. Đó là lời loan báo của các người phụ nữ. Đó là tiếng kêu hạnh phúc và đầy tràn niềm vui của các môn đệ. Đó là cốt lõi việc rao giảng của các Ngài. Đó là Kérygma tiên khởi. Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng của thánh Gioan đều tường thuật về biến cố phục sinh: ngôi mộ trống, những lần hiện ra, những chứng từ của những người phụ nữ, thái độ nghi ngờ bán tín bán nghi của các môn đệ. Nhưng tất cả đều tan biến dành cho niềm vui phục sinh, bởi các môn đệ đã nhất loạt tin vào sự sống lại của Thầy mình. Cuộc sống mới và niềm tin của các môn đệ, của các người phụ nữ đã lan ra nhiều người và nó tiếp tục được nhân lên mãi mãi…

Lạy Chúa phục sinh, xin giúp chúng con luôn hăng say loan báo Tin Mừng sống lại cho nhiều người và luôn can đảm lam chứng cho Chúa phục sinh. Alléluia. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR

[Nhấn vào hình sẽ mở trang mới xem hình gốc...]
Bí Tích Thánh Tẩy..
Xem thêm hình ảnh Vọng PS và Đại Lễ Phục Sinh.


NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI THẬT
(Chúa Nhật - ĐẠI LỄ PHỤC SINH)

Lm Anphong Trần Đức Phương
Sau những ngày hy sinh và cầu nguyện trong suốt Mùa Chay Thánh để thanh luyện đời sống, và sau Tuần Thánh đặc biệt tưởng niệm những Mầu nhiệm cuộc khổ nạn và cái chết khổ nhục của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để chuộc tội nhân loại, hôm nay chúng ta hân hoan mừng Đại Lễ Phục Sinh.
Chúa đã sống lại thật! Alleluia! Alleluia!

Alleluia (nguồn gốc từ tiếng Do Thái) có nghĩa là “Hãy ca ngợi Chúa!” và để tỏ lòng vui mừng trong niềm tạ ơn Chúa. Trong nghi thức phụng vụ Mùa Phục sinh, chúng ta hay nghe hát long trọng Alleluia để cùng hân hoan vì “Chúa Đã Sống Lại Thật” và là nguồn sức sống đời đời cho chúng ta.

Qua từng thế kỷ cho đến ngày nay, nhiều bè phái đã chối bỏ điều này. Ngay thời đầu, các Thượng Tế và Kỳ Mục Do Thái đã đặt ra câu chuyện “Cướp Xác Chúa” để phủ nhận việc Chúa đã sống lại thật (Xin xem Phúc Âm Matthêu 28,11-15). Nhưng Chúa đã sống lại thật, đã thành lập Giáo Hội Chúa và sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng: “Các con hãy đi rao giảng khắp nơi, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép Thanh Tẩy sẽ được cứu độ, ai không tin thì sẽ bị luận phạt!” (Phúc Âm Matcô 16, 15-16). Từ đó Giáo Hội đã lan rộng khắp nơi trên thế giới và loan truyền Tin Mừng Tình Thương của Chúa. Dù thời nào và ở mọi nơi, Giáo hội luôn bị các thế lực thù nghịch chống đối, kết án và bách hại, nhưng Giáo hội vẫn tồn tại và phát triển để đem Tình thương của Chúa đến cho mọi người.

Trong “Đêm Cực Thánh” vọng Lễ Phục Sinh, chúng ta chứng kiến nghi thức Thắp Nến Phục Sinh và lời tung hô “Ánh Sáng Chúa Kitô!” rồi chúng ta cũng vui mừng thưa lên “Tạ Ơn Chúa!” Và năm nào chúng ta cũng vui mừng chứng kiến những anh chị em ‘Dự Tòng’ sau những ngày dài tìm hiểu Giáo lý và qua nhiều thử nghiệm đã quyết tâm từ bỏ “ma quỷ, thế gian và tội lỗi” để theo Chúa và gia nhập Giáo Hội Chúa. Chính chúng ta cũng cùng mọi người thề hứa ‘Từ bỏ tội lỗi, từ bỏ nếp sống thế gian” để sống đời sống mới theo Tin Mừng. Vậy chúng ta hãy cùng hiệp lời cầu nguyện cho các anh chị em Tân Tòng luôn bền vững trong Đức Tin nơi “Chúa Đã Sống Lại Thật” và cầu xin cho mọi người chúng ta luôn sống như ‘Những Ngọn Nến Phục Sinh Cháy Sáng” để chiếu tỏa Ánh Sáng Chúa Kitô Phục Sinh đến cho mọi người trong gia đình, xưởng thợ, sở làm và trong mọi môi trường sống hàng ngày của chúng ta.

Tạ Ơn Chúa! Alleluia! Vì Chúa đã sống lại thật như lời đã phán hứa! Alleluia!

Lm Anphong Trần Đức Phương
Conchienlacdan
Conchienlacdan

Tổng số bài gửi : 14
Join date : 19/04/2011
Age : 34

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết